Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

CÓ MỘT CUỘC ĐỜI (tiếp theo 5 )

          Cuộc sống khốn khó khiến nó còn phải mò cua , bắt ốc, đánh dậm, đánh rủi kiếm thêm nguồn thức ăn cho gia đình, thậm chí còn để bán đi lấy tiền phụ mua sách vở đến trường . Những mùa mưa rào tháng ba, tháng tư hàng năm có nước mới, cá chép sông Thiên vần lên quật đẻ ranh rách khắp các bờ cỏ ven sông. Nó cũng một mình vác nơm xách cây đèn chai đi rình úp cá cả đêm, có hôm sáng ra nó xách về một sâu cá chép nặng , có con to dễ tới hai kí lô. Còn chạy rủi thì mê nhất vào mùa gặt lúa chiêm ( tháng 5 ta ) , ruộng cắt lúa rồi chỉ còn gốc rạ thấp hoặc là đã cày bừa ngả đất đợt một, nước ruộng lúc này chỉ ngập chừng hai ba mươi phân , cá rô don , cá diếc nhỏ , tôm tép thập cẩm nhiều vô kể. Nắng tháng năm nước ruộng nóng như đun , cá con không chịu được cứ nhao nhao ở các góc ruộng . Nó thường đeo giỏ đựng cá ngang thắt lưng rồi đặt rủi chạy khắp ruộng , chạy đua với lũ cá , tép dưới nước , con nào chạy kém, chạy lạc hướng là vào rủi của nó tất. Chạy chừng hai, ba mươi mét nó lại nhấc rủi lên bắt cá, tép bỏ giỏ rồi chạy tiếp . Cứ như thế nó chạy nửa ngày phải được vài ba ki lô cá thập cẩm . Ở cái thời khốn khó đó có được con cá con tép con như thế mà ăn cũng là quý lắm rồi , chẳng có câu :" vẩy cá còn hơn lá rau là gì " . Tháng sáu mà ra đồng bắt cua thì kiểu gì cũng đầy giỏ , bởi vì nước ruộng nóng cua chui hết vào hang, lỗ , không còn hang, lỗ thì chúng bò ngôm lên bờ hoặc bò đeo trên cây lúa . đi móc dọc theo các bờ ruộng lỗ nào cũng có cua, hang lớn có khi có cả mấy con , có hang còn có cả rắn, móc cua gặp có rắn trong hang thì run bắn cả người , nhưng lỡ gặp rồi cũng phải nhắm mắt mà túm người nó lôi ra khỏi hang rồi quăng thật xa ,có con to và dài gần một mét, sợ chết khiếp . Được cái : rắn dưới nước nó lành và hiền thôi không mấy nguy hiểm, thế nhưng cái cảm giác gặp rắn thì vẫn cứ ghê, gai hết người. Những ngày thời tiết có nhiệt độ tăng cao , ra đồng mà vơ buổi trưa có cả chục ki lô cua là bình thường , về ăn không hết thì sóc sạch ngâm muối làm mắm cua ăn dần , cũng ngon lắm chứ , nhất là có trái rứa ( thơm) chín ngâm cùng. Không ngờ cái nguồn thực phẩm tươi sống mà thiên nhiên ban tặng tự nhiên ngày ấy mới giá trị làm sao . Chẳng phải như tôm, cá nuôi thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa này : dư lượng kháng sinh quá mức cho phép tới vài chục lần, chưa kể thuốc kích thích tăng trưởng, tạo màu, tạo lạc... dẫn đến tạo ung thư cũng là.
            ( còn nữa.. )

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

MONG và KHÔNG ( một mùa ĐÔNG)

         MONG

Hãy gọi gió Đông về
Dù mùa Đông giá lạnh
Những cuộc tình lận đận
Mùa Đông về ấm hơn ?

        KHÔNG

Cuộc tình chờ mãi một mùa Đông
Nhớ cánh thư xanh với hoa hồng
Dẫu có ước ao , mơ chờ đợi
Chỉ là dĩ vãng với hư không

Biết rằng Thu hết sẽ tới Đông
Giữ dạ thủy chung đón thiệp hồng
Nhưng chốn cửa thiền ai cho cưới
Tu rồi ! rốt cuộc vẫn là không ?

           XT           02/9/2014

            



Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

CÓ MỘT CUỘC ĐỜI ( tiếp theo 4 )

       
       Chiến tranh leo thang, giặc Mỹ đem bom đánh phá miền bắc , lúc ấy bố nó ( bộ đội chống Pháp về phục viên) có lệnh điều động tái ngũ , mẹ nó lo sợ phải nuôi con một mình , rất may là bố nó không đủ sức khỏe phục vụ , được cho về , tiếp tục cùng với mẹ nó vật lộn với cuộc chiến chống đói nghèo ở cái quê là vùng chiêm trũng mà bốn mùa thiếu đói gạo khoai ấy. Nó lúc này ban ngày thì đi học, cắt cỏ chăn trâu, tối về thường tập trung đi cổ động phong trào chống Mỹ xâm lược do nhà trường tổ chức, nó luôn là người hăng hái hô to khẩu hiệu chống Mỹ nhất trong đoàn biểu tình . Bởi nhẽ nó được nghe ông bà nó kể lại , năm 1953 nhà nó bị pháo kích từ tàu chiến Pháp chạy ngoài sông Kinh thày câu bắn vào đốt cháy toàn bộ năm gian nhà gỗ cửa kính, nên nó căm thù lắm . Khi ấy ông nội nó chỉ còn vẽ truyền ảnh, thu nhập cũng chỉ đủ để ông sống qua ngày bằng cái nghề tài tử ấy . Bà nội nó thương đàn cháu đói vào tận chân đèo Trê , thôn Đồng châu , xã Hoàng hoa thám khai khẩn đất hoang trồng sắn . Thế là từ năm nó học lớp năm (1966) nó thường phải theo cha vào rừng (chỗ bà nội nó ở) lấy sắn , lấy củi đưa về ngoài nhà vào các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ . Nó ốm yếu đói gầy cứ phải theo sau đẩy xe cải tiến phụ cha nó kéo đằng trước, mấy cái dốc ngắn ngày ấy ở cửa ngõ thôn Đồng châu đã là nỗi sợ đọa đầy đối với nó .
      Lớn lên thêm chút nữa cha nó dắt nó lên rừng chặt lứa, lận tìm quả Trám , củ nâu nhuộm vải . Rừng ngày ấy còn gần như nguyên sinh , cây cối rậm rạp , muông thú rất nhiều , đi trên rừng nó đã nhìn thấy gấu , thấy nai , thấy lợn từng đàn . Nó cũng được người lớn chỉ cho cách ra khỏi rừng khi bị lạc , nghĩa là ở khu rừng Đồng châu ấy với nó lúc bấy giờ có lỡ lạc cha trên rừng thì nhớ cứ xuống suối đi xuôi theo dòng nước chảy sẽ ra được đồng bằng không quá ba ngày tùy nơi xuất phát , không thể chết được . Rừng quý thật , dãy vòng cung Đông triều ấy thời kháng chiến chống Pháp là chiến khu nơi che chở bộ đội Việt minh trong đó có bố nó . Hòa bình lập lại ở miền Bắc thì đây cũng chính là nơi đã cứu đói và nuôi sống anh em , gia đình nó . 
    ( còn nữa)