Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

ĐÀ LẠT



Còn chăng Đà Lạt mộng mơ
Thông reo trong gió, khói mờ luồn cây
 Thôn nữ đằm thắm, ngất ngây 
Rượu cần nồng ấm những ngày chiều Đông ?


NHỚ

Em ra v tri mưa bun u ám
Đà lạt sương giăng trắng xóa đồi thông
Người đi rồi, người ở lại nhớ mong
Tình cảm cứ đong đầy theo năm tháng
Anh chợt nhớ một ngày tháng tám
Anh gặp em nơi ấy- quê nhà
Những tưởng rằng từ đó chia xa
Đâu ngờ được- hôm nay mình đoàn tụ
Tình yêu thương ngày càng gắn bó
Đại gia đình quấn quýt bên nhau
Hoan hỉ tin mừng, chia sẻ thương đau
Sống trách nhiệm, môt mối tình cao đẹp

TÌNH NGHĨA XÓM TRI ÂN


Xóm tri ân chúng tôi
Có những người chưa một lần gặp mặt
Có những người chỉ mới biết hôm qua
Vẫn yêu thương tình nghĩa mặn mà
Vẫn thông cảm, chở che, bênh vực
Chúng tôi sống thiên về chữ đức
Tiền tài chức vị chẳng màng
Dẫu ông to bà lớn giàu sang
Tâm không có, chúng tôi quăng vào sọt
Thứ rác rưởi sẽ có ngày bị đốt
Cháy tàn thành tro bẩn mà thôi
TRI ÂN CUỘC ĐỜI
Tôi yêu lắm cư dân xóm tôi
Người người, nhà nhà đều có tâm có đức
Vẫn biết cuộc đời có vinh có nhục
Nước Hoàng Hà lúc đục lúc trong
Cư dân xóm tôi càng lúc càng đông
Không ai sống cạn tình hay vô cảm
Sẽ giữ mãi tình làng nghĩa xóm
Tình chúng ta như biển rộng sông dài

XIN

Có chẳng phải thơ, ghép văn vần
Gởi lên Thầy, bạn với người thân
Cảm thông chia sẻ vui biết mấy
Thảo tôi đích thực được tri ân

BẠN TÔI


( Viết tặng Thiếu tướng Đỗ Văn Nghị )

Nó lẻo khoẻo, gầy gò ốm yếu
Chỉ được cái đầu to và trí óc thông minh
Thằng bạn tôi giữa buổi chiến tranh
Mang sách toán ra chiến trường để học
Mới tí tuổi mà đầu nó bạc
Nó nói khôi hài “khôn lỏi” nên tóc bạc sớm một chòm riêng
Những ngày ở rừng tôi nhớ không quên
Những lúc chiều buông, mắc võng bên nhau cùng đọc sách
Nó đọc nhiều sách thật.
Thường thì tiểu thuyết dài, chỉ nó đọc kể tôi nghe
Chẳng khi nào nghĩ tới cảnh buồng the
ấy vậy mà nó yêu thầm người ta ai có biết
Để một ngáy tiễn biệt
Người con gái kia trên điều động ra đi
Nó thầm nghĩ suy.
Đấu tranh giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ quốc
Chí làm trai khi quân thù cướp nước
Chấp nhận hy sinh gánh vác giang sơn
Chỉ đoàn viên khi Tổ quốc bình yên.
  
Xin chép lên đây bài thơ của Tướng Nghị khi còn là lính Binh nhất ở Trường Sơn ( Năm 1972 )

Tạm chia tay đêm nay anh không ngủ
Có phải lòng khơi dậy nỗi buồn thương
Gần nhau mãi sao ta không nói nhỉ
Để hôm nay lòng dạ lại vấn vương
Đi gian khổ em ơi gắng nhé
Nhớ thương nhau hãy mạnh bước đi lên
Đừng vì nhau chút tình riêng nhỏ bé
Trái tim ta hiến Dân tộc phần hơn
Anh không khóc mà lòng đầy nước mắt
Bóp nghẹn con tim khi phải chia tay
Hãy nén lại em ơi lòng thổn thức
Hẹn em về gặp lại ngày mai
               
                        ĐỖ VĂN NGHỊ

Ghi chú: Tình yêu thầm lặng bằng ánh mắt giữa Nghị với T chỉ 2 người đó biết với nhau, và Tôi – thằng bạn than nhất của nó lúc đó cũng chỉ là người thứ 3 biết được khi 2 đứa nó chia tay nhau để T về đơn vị mới. Đúng là Tướng Tình báo, thể hiện tài năng nghề nghiệp từ khi còn rất trẻ.
  

NHỚ ĐỒNG ĐỘI

Nhớ đồng đội cũ năm xưa
Mà tôi thơ thẩn như chưa trưởng thành
Tình đời cái buổi chiến tranh
Thương nhau đùm bọc, rách lành, đói no
Bọn tôi một lũ học trò
Mặt bấm ra sữa, lông tơ đầy người
Đi bắn nhau vẫn yêu đời
Đạn bom chẳng xá, hát cười yến anh
Chiến tranh
Những cơn mưa bom
Những ngày tăm tối
Nắm cơm vắt, dầm nước mưa bẻ chia ba
Hộp ruốc mặn ngâm ớt chỉ thiên ở nương đồng bào trên đỉnh núi
Chia nhau ăn!
Dẫu bầu bí, mướp, dưa, trên nương bỏ thối
Mà đụng vào coi chừng bị phạt đền trâu
Sốt rét nằm co giữa chốn rừng sâu
Thương đồng đội chia nhường từng ngụm nước
Đêm lạnh bụng đau đồng đội cho uống thuốc
Sáng hái rau rừng nấu cháo phụ nâng nhau
Có tiền đâu và có chức quyền đâu?
Chỉ chức phận thương nhau mà đùm bọc
Nhận tin buồn thằng nào cũng khóc
Có tin vui cũng chén chú, chén anh
Rượu là cồn sát trùng pha ra uống
Leo lét trong hang ánh đèn – đốt bằng dầu lau súng
Lạnh lẽo hoang tàn và mùi mốc của phân dơi
Ôi chiến tranh – đồng đội của tôi ơi !
Sao tôi nhớ và yêu đồng đội quá
Những tháng ngày vất vả, ác liệt, hy sinh mà cứ quyện yêu thương
 

NIỀM VUI VỀ NHÀ MỚI

Nhà mới, ừ cứ gọi là mới
Dù nhỏ to nó cũng là nhà
Ngẫm đời đã lắm phong ba
Nay thêm nhà cửa, lợn gà thấy vui
Tuổi xuân cũng 60 rồi
Gái trai 5 đứa đẹp tươi sáng ngời
Thôi thì cũng một kiếp người
Đói, no, sướng, khổ, đầy, vơi đã từng
Đã xuống biển, đã lên rừng
Đã yêu, đã ghét, đã rưng lệ đầy
Thế rồi cũng có một ngày
Niềm vui mãn nguyện như say rượu nồng
Nuôi lợn, thả cá, gieo trồng
Đánh cờ, uống rượu mà không lo gì
Chỉ mong có bạn nhâm nhi
Hàn huyên tâm sự bõ khi đói lòng
Dẫu cho đời sắp sang đông
Tim còn thổn thức, lửa hồng còn reo
Có đâu chịu mãi cảnh nghèo
Đại gia chẳng phải nhưng heo đầy chuồng.

NỖI BUỒN TRANG TRẠI

Trang trại chăn nuôi sáu tháng rồi

Đã nghèo lại lỗ lã tả tơi
Giá heo sụt giảm vì “siêu nạc”
Đài báo tung tin độc giết người
Khổ thằng lao động – người chân thật
Sớm tối nhọc nhằn lẫn âu lo
Cày ra gạo thịt mà vẫn đói
Còn lũ lọc lừa bụng mập to
Xưa nay “siêu nạc” Trời vẫn chén
Chỉ thấy mập ra bụng mỡ nhiều
Bày đặt to mồm la mắng, chửi
Quen thói đặt điều có treo niêu?
Thằng cày gạo, thịt đành chết trước
Nhưng lũ quan liêu cũng sớm chiều
Không chóng thì chày mồm cũng há
Gạo thịt đâu mà hốc lại điêu.
Biết bao nỗi khổ dân gánh chịu
Mà kẻ cầm cân chẳng cân bằng
Để thằng lừa lọc quay thằng thật
Bao giờ công lý mới thẳng băng ?

THẰNG KHỔ NHỚ QUÊ

Cuối năm mèo - vẫn hoàn mèo
Cuộc đời thằng khổ hết trèo lại xoay
Già rồi còn cứ loay hoay
Lo làm kinh tế cả ngày lẫn đêm
Những mong sớm được ấm êm
Gia đình hạnh phúc có thêm gạo tiền
Lại cày, lại cuốc triền miên
Quên cả khó nhọc lẫn miền Tri Ân
Mở ra mới thấy tình thân
Của thầy, của bạn nơi gần nơi xa
Rưng rưng nhớ đến quê nhà
Nhớ bờ đê, nhớ gốc đa, giếng làng
Xuân về lòng dạ xốn xang
Mừng mừng tủi tủi hai hàng lệ rơi
Kiếp sau có được làm người
Xin thề đói chết chẳng rời quê hương

NHỚ QUÊ HƯƠNG

Xuân sắp về xuân có ở trong ta?
Sắc xuân trẻ, cây đâm chồi nảy lộc
Ta thêm tuổi trở dần về với gốc
Gốc cuộc đời từ cát bụi nào ra?
" Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi " (*)
Một ngày kia đi trong đêm tối
Ta có còn Xuân - Hạ - Thu - Đông?
Xân sắp về kẻ đợi người mong
Ai vui, ai buồn, ai hờ hững?
Riêng trong tôi chỉ một điều mơ tưởng
Về với quê, thăm mồ mả ông bà
Về với quê thắp nhang cho cha
Về với quê thăm thầy cô, bạn bè, xóm láng
Về với quê những buổi chiều chạng vạng
Người, trâu lục tục ở đồng về
Về với quê sáng sớm tinh mơ
Í ới gọi nhau đi cày, đi gặt
Về với quê, với cánh đồng bát ngát
Màu lúa xanh như con gái đương thì
Về với quê nhớ lại một khi
Cắt cỏ, chăn trâu thả diều, bắt bướm
Chạy bộ đến trường vì đi học muộn
Lội qua sông Cùa bằng "quần áo da"
Vâng! thưa rằng bao tháng năm qua
Tôi thắc thỏm thèm quê hương da diết
Cùng một đất trời mà ngỡ như cách biệt
Để lòng tôi nhung nhớ mãi quê nhà

THANH MINH

Lòng thành kính em dâng thầy, tặng bạn
Vì đam mê thơ thẩn với văn chương
Được thầy, cô soi xét yêu thương
Em cảm động xin có lời lễ tạ

Thời gian này em đang bận quá
Mở trại chăn nuôi những lợn với gà
Vào xóm Tri Ân - em chỉ lướt qua
Không chào hỏi, xin thầy cô thứ lỗi

Mong cho một ngày kia rảnh rỗi
Lại được luận bàn cùng xóm Tri Ân
Em vẫn học nhiều ở bài viết của thầy Tuân
Thầy Thanh Dạ, thầy Tư, cô Cẩm Tú

Cô Song Thu bây giờ em mới rõ
Lấy thầy văn em, hẳn cô cũng thích văn
Chưa được gặp cô em vẫn cảm thấy gần
Em không biết có phải vì đồng cảm?

Cảm ơn thầy cô, cảm ơn bè bạn
Một tình người khi tiết xuân sang
Giữa trường đời còn lắm trái ngang
Ta vẫn sống, vẫn vui như ngày tết

Kính gởi thày THANH DẠ

Thưa Thày: trước hết em xin cám ơn Thày đã đọc và luận về ý tứ văn em viết. Em muốn trình bày với thầy cái ý của em là khẳng định "hòn đất nặn thành ông bụt" chứ không phải là có thể. Mong thầy hiểu ý em. cùng là hòn đất cả mà có nơi họ nặn thành cái âu muối dưa thì cả đời chứa chua đựng mặn, nơi khác họ nặn thành ông bụt,ông thánh thì bá tánh tôn thờ, hương nhang hưởng lộc cả đời. Nhưng xét cho cùng thì cũng là đất cả, thậm chí chưa chắc đất nặn thành ông bụt đã là loại đất tốt.
     Em xin phép mạo muội nghĩ vậy và xin thầy cho phép bảo lưu ý kiến. Kính chúc thầy và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
( Em chưa vào nhận xét được nên phải vào trang chủ,kính mong thầy thông cảm.)

TÌNH NGẨN NGƠ

Câu hát ru ai động cõi lòng
Bồi hồi xúc động buổi chiều Đông
Ngỡ như em gọi, mơ hay thật ?
Để tình vương vấn lúc sang sông !

Cho dù không phải như Người nghĩ,
Vẫn động lòng ai cả bốn mùa,
Xuân Hạ Thu Đông- trông vời vợi
Bóng hình ai đó ? sớm, chiều, trưa

Sim già, hoa tím màu chung thủy
Thấm đậm trong ai nghĩa tình xưa ,
Có một vườn thu xanh như ngọc,
Dẫu biết Đông về lắm gió mưa .

Cho gởi tình ta, chút ngẩn ngơ
Rất mực thương yêu lẫn tôn thờ
Ngự trị trong ta- ngôi sao lớn
Đẹp tình bè bạn, đẹp ý thơ !

THU HÁT CHO TA

(Nhân đọc: "THU HÁT CHO NGƯỜI" của Nguyễn Tô Hà)

Thu hát nghe sao động lòng người ?
Dòng sông thuở ấy lững lờ trôi
Đò ngang đầy ắp tình thương nhớ
Xao xuyến chờ mong cả cuộc đời

Chiều về - hiu hắt nắng hoàng hôn
Đông đến - gió mưa lạnh thêm buồn
Thêm nhớ thêm thương tình xưa ấy
Tương tư sầu cảm mãi vấn vương !

Ai gốc sim già, ai tím hoa ?
Giữ lòng chung thủy mối tình xa
Gom mây, nhặt nắng, dồn thương nhớ !
Mãi đến hôm nay vẫn mặn mà.

Thương cho duyên phận của con người
Do Trời sắp đặt cả ai ơi !
Ông tơ bà nguyệt trên đỉnh núi
Cột chặt dây tơ hết cả rồi ;

Để thương để nhớ dài năm tháng
Vườn hồng- Đào, Mận vẫn hỏi nhau
Có còn lối nhỏ cho vào nhỉ ?
Giào rồi thì xin hẹn kiếp sau .

PHÙ DU

Cứ nghĩ ta đây có chức quyền
Ngông nghênh, hống hách thế bề trên.
Biết đâu cát bụi từ trong đất
Cũng nặn được lên Bụt, Thánh hiền .

Mây Đen

Mây đen che được mặt trời
Đừng khoe sắc nắng, đừng cười mây đen
Thói đời trọng phú, khinh bần
Nghĩ mình đã ở góc sân Ngọc Hoàng

Có hay mưa tạnh, trời quang
Vua trời cũng phải lụy hàng mây đen
Cớ chi tình bạn thân quen
Sanh lòng đố kỵ, ghét, ghen, chê cười ?

Kính gởi Thày ĐỖ ĐÌNH TUÂN

Thưa Thầy !
   Em học lớp 10a khóa học 1968- 1971, lớp em ít được học văn của thày, chỉ thỉnh thoảng có tiết dạy thay, chúng em mới được nghe thày giảng . Tuy vậy hình ảnh thày giảng bài vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí em, cho dù đã 40 năm xa thày. Nhất là cách diễn cảm của thày, từ văn xuôi cho tới văn vần, cùng với sự lập luận, dẫn chứng rất lô ríc của thày làm cho lớp em cứ im phắc, há mồm nghe thày giảng. Ngày ấy chúng em rất kính phục thày và thường nói với nhau rằng thày dậy văn giỏi nhất trường.
   Những năm tháng xa trường, xa thày em không có nhiều thông tin về thày cô mình, vì cuộc sống thăng trầm, vất vả của riêng em . Nhưng những kỷ niệm đến trường, học thày thì không thể nào em quên được. Em đã từng khắc khoải thầm mong có một ngày được gặp lại thày cô trong trường. Thời gian cứ trôi đi, cũng vì em đông con nên nỗi lo có kinh tế để cho con đi học cứ đè nặng mãi hai vai. Cho tới 40 năm sau mới có dịp gặp thày, thày còn khỏe em mừng lắm, thày vui em thích lắm, giọng nói thày vẫn rất truyền cảm, thơ văn thày vẫn là tuyệt tác.
   May mắn cho em từ khi là thành viên của Blog Tri Ân, em có dịp được học ở thày nhiều hơn nữa. Có thể nói bây giờ em mới được học nhiều ở thày về luật thơ, ngữ nghĩa của văn chương. Em cám ơn thày, cám ơn đời, không ngờ thày còn khỏe, còn minh mẫn đến như vậy. Thày đã miệt mài nghiên cứu, để lại cho đời những luận điểm văn chương tuyệt vời. Trong em: Thày mãi là bậc thày về văn chương, thày vẫn cực hay, cực giỏi. Mong sao em còn được học nhiều hơn thế nữa từ những tác phẩm do thày biên soạn.
    Đúng là không ai học được chữ "ngờ", chính bản thân em rất thích học văn, làm thơ. Nhưng học ở đâu ? làm thơ thế nào thì em còn lúng túng, không cách tháo gỡ. Không "ngờ" bây giờ em lại được học thày. Với tình cảm dành cho thơ văn thấm đậm tình người và tính sư phạm của thày, em mới vỡ ra nhiều điều mà với em còn là sơ khai mới mẻ. Em thầm hứa mình sẽ cẩn thận hơn trong khi viết, chọn câu, từ chặt chẽ hơn, ý tứ sâu sắc hơn, âm điệu đúng vần hơn, để không phụ công dạy dỗ của thày.
    Mượn trang Tri Ân này em kính chúc Thày và Cô, cùng toàn thể gia đình thày luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Kính gởi Thày DỰ

Dạ thưa thày, thú thật em không biết thày, càng không biết thày là anh trai bs Núi, vợ thằng bạn em - Nguyễn khắc Nguyệt. Em mới nghe thày Tư nói hôm các thày sang Bắc Giang, em xin được làm quen và chân thành cảm ơn sự chia sẻ đồng cảm của Thày.
      Thưa Thày:

Đấu tranh liền với tránh đâu,
Thấp cổ, bé họng ngóc đầu chẳng lên.
Biết bao oan ức, ưu phiền,
Buồn vui lẫn lộn triền miên tháng ngày.
Nay nhờ tâm sự của thày,
Lòng em cảm thấy như vơi nỗi buồn.

     Kính chúc Thày cùng toàn thể gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

DẠY CON

Tôi lớn đấy cũng chỉ là một nhánh,
Trên cây xanh của cả đại gia đình.
Tôi vì chúng ta, hay tôi chỉ vì mình,
Phải xét lại: khi chữ TÔI quá lớn.
 

       KỊ

Tình dù có mặn nồng,
Giữ kín ở trong lòng,
Nhìn sao cho tế nhị,
Cha Mẹ thì rất quý,
Nhưng nhà mình làm ăn,
Nên kiêng việc gối chăn
Nơi cửa nhà, gia thất.
Các con yêu nhau thật
Giữ quy tắc gia đình.

       

        LẮNG NGHE

Hãy lắng nghe để rồi thấu hiểu,
Đừng ngang bướng giống kẻ dở hơi.
Người khôn: ăn nói biết kiệm lời,
Đứa dở: hay thanh minh, lý giải.
Kẻ tranh khôn không ai sợ hãi ;
Người khiêm tốn thâu phục nhân tâm ;
Thế gian này mấy ai "uyên thâm ".

30 NĂM TÌM CHA

   (Viết tặng con gái liệt sĩ Trần văn Ngọc)

  Con gái liệt sĩ Trần văn Ngọc - thôn Nội, xã Tân Dân, Chí Linh, Hải Dương. Hiện ở thôn 4 xã Đức Lập, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm con nuôi ông Trần công Sử. Vì ngày ấy quá khắt khe với việc không chồng mà đẻ, khi ông Ngọc hy sinh không trở lại cưới nhận, bà mẹ nghĩ ông bỏ nên phải dấu, trốn đi nơi khác đẻ rồi cho con. Sau này mới nói cho con gái biết rõ sự thật. Người con viết thư và đi tìm Cha. Trong thư có những câu nói mà ở bài thơ dưới đây tôi để trong  ".....".

Ba mươi năm khóc, đợi tìm Cha
Con đâu ngờ Cha đã đi xa,
Ngày con chào đời Cha ngã xuống
Mẹ và con sống trong thất vọng,
Lầm tưởng Cha quên ngõ đi về
Ba mươi năm con lớn khôn rồi,
Có đâu ngờ bom Mỹ giết Cha.
"Con phải sống vật vờ, tủi nhục"
Ba mươi năm con không có Cha
"Điều mà con hàng ngày mơ ước"
Phải một ngày tìm thấy cội nguồn
Ba mươi năm con được làm người,
Ba mươi năm có đủ trí khôn,
Con đi tìm Cha, nhưng hỡi ôi !
Chỉ còn một tấm bằng liệt sĩ.
Con hiểu rồi, Cha kính yêu ơi!
Suối vàng, linh hồn Cha yên nghỉ,
Mong một ngày Cha hiểu lòng con.
Nguyện suốt đời con trẻ sắt son
Với Cha, dù chỉ còn hình ảnh.
Ôi chiến tranh gây bao thương cảnh,
Con mất Cha, vợ phải lìa chồng.
Con đã ba mươi năm ngóng trông
Và cũng đã nhiều năm tìm kiếm,
Mong một ngày sông về với biển
Nhưng Cha ơi! còn nắm xương tàn.
Con đau lòng căm ghét chiến tranh.
Không chứng kiến đầu rơi máu chảy,
Nhưng con mãi tìm Cha chẳng thấy,
Chính vì bom Mỹ giết Cha rồi.
Đau lòng con trẻ quá Cha ơi !

Mẹ con mái tóc dài đã bạc
Bao tháng năm chờ đợi Cha về,
Bao tháng năm giữ trọn lời thề,
Sống khắc khoải chờ, mong Cha đó.
Mẹ đâu ngờ âm dương cách trở
Đến nay Cha vẫn chẳng về nhà.
Mới biết rằng Cha mãi đi xa
Mẹ khóc như không còn nước mắt !
Tình nghĩa xưa- biển trời cách mặt.
Ôi chiến tranh tang tóc đau thương.

Con đau buồn thắp những nén hương
Cho Cha cùng cho bao người khác
Đồng đội Cha, vì dân đánh giặc,
Cho quê hương, Tổ quốc thanh bình.
Con tự hào có Cha quang vinh
Mong Tổ quốc bình yên mãi mãi .

NGẮM HOA HỌC TRÒ


Hoa ơi thắm nhé đừng tàn
Gặp hoa lòng những ngập tràn thương yêu
Đông về - Đời cũng xế chiều
Ngắm hoa lại thấy thêm yêu cuộc đời
Đời Ai bèo dạt, mây trôi
Thân Ai gánh nặng một thời khổ đau ?
Nghèo hèn vẫn gắng tìm nhau
Đến ngày hội ngộ thêm sâu nghĩa tình !
Có hoa – có cả chương trình :
“ TRI ÂN “ Thày, bạn nhóm mình chung vui
Hoa thơm thắm đượm tình người !
Yêu hoa, cứ ngỡ hoa cười cùng ta
Trải qua bão táp, mưa sa
Ngẫm rồi mới thấy- Nhât HOA HỌC TRÒ

NGƯỜI VÀ CẢNH

( Gởi em NGUYỄN MINH HƯƠNG )

Ngắm biển trăng lên, tình thơ mộng
Nha Trang như thiếu nữ đương thì
Có em ở đó hồn nhiên sống
Nghĩa cử thanh cao, Nết dịu dàng.
Em như tia nắng trên phố biển
Sưởi ấm lòng du khách TRI ÂN
Gọi em trong một chiều Đông giá
Tuổi lục tuần mà ngỡ trai tân
Em có biết Ai vẫn đợi chờ
Những vần thơ mới với mộng mơ
Thương nhau có lúc như ngẹn lại !
Chia sẻ buồn vui đến thẫn thờ !
Sao tình không đến từ thuở nọ
Để thời gian lặng lẽ trôi đi
Gặp em lúc bể đời đã cạn
Biết nói cùng em được những gì ?
Gởi trăng gởi gió niềm kiêu hãnh
Tới đứa em xa : giỏi, ngoan, hiền
Nha Trang đẹp quá em ở đó
Cảnh – Người hòa hợp mối nhân duyên.

CHÚNG NÓ GIẾT EM TÔI

Năm 1972
Em trai tôi đánh thành Quảng Trị .
Không chết bởi bom đạn quân thù,
Nhưng chết mỏi mòn
Vì chất độc Diocin của Mỹ.

Cái chết âm ỉ  ?            
Không đớn đau ,
Nhưng cay đắng tột cùng .
Giặc Mỹ rải chất độc màu da cam,
Giết chết bao nhiêu người ?
Trong đó có em tôi !
Thêm kẻ tham nhũng hại người,
Cướp mạng sống của em tôi .
Những kẻ ác nhân đáng ghét ;
Giặc Mỹ bại trận cút rồi ,
Kẻ tham nhũng, còn mãi ghế ngồi .
Chúng nó bảo em tôi không có bệnh ,
Chúng không cho em tôi đi giám định .
Bây giờ thì sắp chết bởi ung thư ?
Lẽ nào đi kiện chúng nó ư ?
Kiện để làm gì ? khi không có tiền chữa bệnh .
Kiện về đâu, ai là người xử kiện ?
Khi tòa án lương tâm bọn tham quan
Chúng nó chết cả rồi !
Chỉ thiệt thòi kẻ lính lác như em tôi ,
Nhiều kẻ chức quyền biến không thành có ?
.................
Hỡi lương tâm nhân ái ,
Hỡi nỗi đau đồng loại ,
Hãy đấu tranh chống lũ tham quan .
Hãy quyét đi những lòng sói dạ lang ;
Để dân ta có quyền bình đẳng .
Nhiễm độc Diocin như em tôi được khám .
Được chăm lo theo chính sách của Đảng mình .
Có lẽ nào ta cứ mãi hy sinh ?
Cho lũ tham quan hại người, phè phỡn .

      

Em tôi Nguyễn thanh Hiền ( Huân chương chiến công hạng III trong chiến dịch Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương khác) đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư tại BV tỉnh ĐN, đã nhiều lần đến phòng TBXH huyện Trảng Bom ,tỉnh ĐN, nộp hồ sơ xin đươc đi giám định chất độc màu da cam ,nhưng đều bị trả về với lý do : " không có bệnh". Bây giờ bệnh phát thì chờ chết còn đâu được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng và nhà nước nữa ;

THƯƠNG THẦY

Chạnh lòng đọc khổ thơ : " ĐÔNG "
Thương Thầy chiều xuống mà không bạn đời.
Bàn đơn, ghế chiếc Thầy ơi !
Thơ buồn, rượu tỉnh, Thầy tôi một mình .
Biết bao thế hệ học sinh,
Ơn Thầy còn nặng nghĩa tình năm xưa .
Mong sao chia sẻ bây giờ ,
Để Thầy viết những vần thơ không buồn .

TÂM SỰ

Anh tìm em hơn 30 năm.
Chỉ để nói một điều tưởng như vô nghĩa.
Ngày ấy chiến tranh mình còn quá trẻ,
Mượn cớ gặp em xin địa chỉ quê hương .
Cứ ước, cứ mơ dẫu có mong manh .
Ấy vậy mà có ngày hội ngộ .
Nơi chiến trường mau lửa ,
Anh là lính của Ba em .
Dấu kín trong lòng những kỷ niệm yêu thương.
"Một thời đạn bom, một thời mau lửa".
...........
Anh gặp bạn bè lại tìm em, tìm nữa.
Cho tới một ngày cũng gặp được em.
Tóc bạc rồi , nhưng tình cảm vẹn nguyên .
Ba Má em đã thành người thiên cổ.
Anh đău đớn nhìn về quá khứ ,
Đường rất gần mà tình mãi cứ xa .
Để một ngày Ta gặp lại Ta ,
Không gặp được Thủ trưởng già nơi chiến trận.
Anh khóc nhiều,trời Nha Trang mưa không tạnh.
Bên mộ Người con trẻ dỗ dành nhau.
Thôi cũng đành ; từ nay đến mai sau
Chúng con hứa : như anh em ruột thịt .
Bù lại những tháng ngày thất lạc.
Và bây giờ điều mong ước đã thành .

NGHĨ VỀ ANH

  Chúng tôi cùng khóa học phổ thông cấp 3 (1968 - 1971), nhưng năm lớp 9 anh mới về học cùng lớp 9A với tôi. Ngay từ những ngày đầu đó, anh đã tỏ ra là một người khiêm nhường, giản dị. Lực học thì khá tốt về các môn tự nhiên. Người anh lúc bấy giờ nhỏ thó so với bọn tôi, nhưng được cái đầu to, trán rộng, thông minh nhanh nhẹn. Anh ở cùng chị gái, anh dể là Thầy cô giáo dạy chúng tôi.
     Hết lớp 10 còn 9 ngày nữa mới thi tốt ngiệp, tôi và một số bạn bè phải lên đường nhập ngũ., chúng tôi xa nhau từ đấy. Sau này gặp lại nghe nói anh cũng đi lính, trở thành sĩ quan QĐNDVN, khi chuyển ngành anh mang quân hàm thượng úy. Với tư chất thông minh nhưng bản chất giản dị, khiêm nhường. Anh chuyển ngành về sở GTCC Hà Nội được nhiều người quý trọng . Có thể nói trong anh hình như lúc nào cũng nhiệt tình với công việc chung, sẵn sàng hi sinh mọi cái riêng tư của mình vì mọi người. Sự thể hiện của anh chỉ để mọi người cảm nhận tự dánh giá chứ không phô trương, trình bày như người khác . Anh rất kín tiếng nhưng không phải mọi người không biết, mà anh cũng biết rõ mọi người, từ người thân đến bạn bè xa gần.
     Năm ngoái (2010) tôi có việc riêng ra Hà Nội, liên lạc với anh tôi mới cảm nhận hết sự nhiệt tình,chu đáo trong con người anh. Tôi nghĩ đây là bản chất tốt đẹp trong anh chứ chẳng phải một tác động ngoại cảnh nào cả. Cái tình bạn học cũ từ xa xưa ấy có gì đáng nhớ, đáng quan tâm. Có nhiều người bạn học với tôi lâu hơn anh, lại còn đi lính với nhau ở cùng đơn vị. Chức quyền cao hơn anh. Người ta cũng chỉ coi như có biết, có quen chứ có ai buồn quan tâm xem thằng T ra Hà Nội làm gì, ở đâu? Với anh thì không như thế. Anh giúp tôi chỗ ăn ở chu toàn, gặp gỡ khởi lởi, tôn trọng và quý mến. Tối 19/8/2010 tôi được anh M mời đi dự tiệc mừng ngày truyền thống ngành CAND, do một số gia đình công an tự tổ chức. Vui quá tôi không lượng sức uống của mình mà tu cho say mèm. Đến khi taxi đưa về khách sạn, tôi không kịp tháo giày tất, chỉ kịp chốt cửa rồi nằm vật ra giường ngủ cho tới sáng hôm sau. Khi tỉnh dậy thì bị rượu hành vật vã, nôn nao, khổ không tả nổi. Đúng là lúc uống vui sướng bao nhiêu thì lúc say khổ sở bấy nhiêu. Nếu không có động tác móc họng đưa ra thì không qua được cái cơn khổ sở ấy. Móc có đến 3 lần, đến khi không còn gì để ra nữa mới thấy dễ chịu. Nằm liệt vừa đúng 1 ngày, rất may cũng lại chỉ có anh, anh biết tôi không còn gì trong ruột nên mua đến cho tôi mấy hộp cháo đậu. Ăn sao mà sướng thế, tỉnh lại liền. Tôi thầm nghĩ bạn bè mà anh chu đáo còn hơn cả bà xã mình nữa là khác, bởi vì từ cái tăm xỉa răng, miếng giấy lau bát lau thìa, đến miếng khăn giấy lau miệng, đầy đủ cả, thật vô cùng cảm động. Trưa hôm sau khi tan sở, anh mời tôi đi ăn cơm với anh. Tôi không còn nhớ nơi tôi với anh đến là đâu, chỉ biết anh muốn nhân dịp này cho tôi được nhìn toàn cảnh thành phố Hà Nội hiện tại, vì tôi xa Hà Nội cũng có tới 30 năm rồi. Hai thằng tôi đi thang máy lên tầng 17 của 1 nhà hàng ở trung tâm Hà Nội thì phải. Đúng là phóng tầm mắt quan sát được đủ 4 phương thành phố Hà Nội. Hà Nội bây giờ rộng lớn quá, nhiều nhà cao tầng quá, phố phường sầm uất, người, xe trên đường tấp lập hối hả quá. Riêng anh cứ bình thản với tôi ngồi nhâm nhi vừa ăn vừa kể chuyện gia đình. Anh sành điệu hơn tôi nhiều, tiếng sống ở cửa ngõ Sài Gòn nhưng tôi còn ít hiểu biết lắm. Ở bên anh, ăn uống với anh tôi càng khâm phục tính khiêm nhường của anh, bởi lẽ anh rất tinh tế và sành điệu. Tôi đem chuyện kể với cô em T.H, em nói:"người là như vậy,lúc nào cũng như vậy, lúc nào cũng lặng lẽ thực hiện những điều vô cùng ý nghĩa với mọi người. Nhưng chẳng bao giờ để mọi người chia sẻ với mình một điều gì". Không phải chỉ có tôi mà tất cả bạn bè tôi, tất cả thành viên nhóm Tri Ân đều rất trân trọng con người anh. Tôi trộm nghĩ đức tính của anh quả là thánh thiện.
     Hôm nay nghĩ, viết về anh mà lòng chân thành biết ơn bậc sinh thành ra anh, nhất là thân mẫu của anh cũng là thân mẫu của cô giáo Cẩm Tú. Cụ chắc hẳn rất nhân từ,đức độ,thông minh mới sinh ra và nuôi dưỡng dạy dỗ được những người con giỏi bậc thầy nhưng vẫn rất khiêm nhường. Luôn nghĩ và làm những điều giúp ích cho đời, cho người.Tôi biết cụ đã được con cháu rước cụ lên chùa và cũng đã được nghe bài ca mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính phổ nhạc thơ: (Đưa mẹ lên chùa) của cô giáo Cẩm Tú. Hình như hội tụ ở đây tất cả sự nhớ thương, kính trọng không chỉ của riêng những người thân trong gia đình mà của tất cả mọi người chúng tôi( Những người có quan hệ quen biết với gia đình, với con, cháu cụ). Kính chúc cụ hân hoan miền cực lạc.
     Tôi muốn nói nhiều nữa về những đức tính tốt đẹp của anh, nhưng quả thật nói sao cho hết. Như cô em T.H nói:"Người là như vậy" rồi. Anh chính là Nguyễn Đức Bình - Phó BTĐU, chủ tịch CĐ sở GTCC Hà Nội.

NGANG và DỞ

Chiến trường máu lửa quyện yêu thương .
Đồng đội sẻ chia sống chết, thường ;
May đời gặp vận sang trang mới .
Ăn chốc, ngồi trên bảo bạn "ương" .

Cùng quê, cùng lớp, cùng nhập ngũ .
Cùng húp rau rừng, nhá măng tre .
Cùng đào một lỗ chôn cột điện .
Tài cán chi nhiều, răn với khoe .

Hắn nghèo còn chịu không danh phận.
Phải đâu tại tính cách loe toe .
Chỉ tội : cái cảnh đời dun rủi .
Đỡ Mẹ, cứu em mỏ hắn tòe .

Nhớ lời Thày dạy để làm người .
Quyền chức có ngày cũng hết thôi .
Có nhân, có đức là quan trọng .
Chớ có khinh người, cóc thèm chơi .

KHÓC BẠN

( Viết cho Nguyễn Thành Công )
            

               Bạn tôi vốn rất chân thành,
   Đúng, sai, sướng, khổ chẳng giành thiệt, hơn .
              Công danh, tiền bạc, oán hờn,
   Dù ai đưa đẩy, tranh hơn mặc lòng .
              Thế mà một buổi trời đông,
    Bạn tôi đi mãi rồi không trở về .
               Đời sao cay đắng, nhiêu khê,
    Trời sao phụ bạc, nặng nề trời ơi !
               Ngẹn ngào, chua chát lòng tôi,
    Từ nay mất thật bạn rồi phải không ?

CÂY CỔ THỤ

Ngày ấy chiến tranh....
Chúng tôi sống dưới bóng cây Cổ Thụ.
Giữa rừng Trường Sơn bom gào đạn rú,
Cây cao xanh che mắt quân thù .
Hết mưa Hạ, sang Thu.
Lại vào mùa chiến dịch.
Lại hành quân diệt địch.
Trên mọi nẻo đường, khắp bản làng quê.
Với trái tim son sắt một lời thề:
Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương .

Rừng xanh, cứ địa chiến trường .
Cây cao bóng mát rợp đường hành quân.
Trèo đèo, lội suối gian truân.
Mưa bom, bão đạn tinh thần chẳng lay .
Cũng nhờ những bóng cây này .
Bóng cây Cổ Thụ cao, ngay giữa rừng .
Nhớ ngày "cơm vắt" vài lưng,
Ăn cùng ruốc mặn, ớt rừng chỉ thiên .
Những ngày sốt rét triền miên ,
Nằm run trên võng giữa miền rừng sâu .
Thuốc men nào có bao nhiêu ,
Hết mùa mưa, sốt biết điều cắt cơn .
Nước da tái mét, xanh dờn .
Vẫn cùng đồng đội hành quân sớm chiều .
Cũng cây Cổ Thụ, cao, siêu .
Vạch đường hướng đánh, lập nhiều chiến công.
Chỉ huy, chiến sĩ một lòng .
Không hề hách dịch, không đồng nhũng tham .
Bây giờ lắm kẻ làm Quan,
Cũng cây Cổ Thụ như ngàn cây xưa .
Mà sao lòng dạ lọc lừa ?
Vào thưa ra bẩm, mới vừa lòng Quan.
Cái tâm chẳng có lại gian .
Tham ô ít cũng vài ngàn đô la .
Làm sao ta đã quên ta?
Để cây Cổ Thụ bóng Ma dập dờn .
Nhớ ngày sống đất Trường Sơn ,
Ta như trỗi dậy, căm hờn giặc tham.
....................

CHUYỆN CON GÀ ẤP

   Mùa đông năm 1969 những tháng cuối năm,cây khô lá vàng,lòng người lạnh giá. Ở cái làng Nội xã Tân Dân quê tôi lúc bấy giờ làm gì đã có hàng quán,chợ búa gì. Cả làng có đâu một vài người gọi là: Bán "hàng xén",cũng chỉ có mẹt kim chỉ để khâu vá là chủ yếu,vài cái kẹp tóc,lọ kẹo lăn bột dử trẻ con,chứ đào đâu ra cá thịt như bây giờ.
     Ấy vậy mà từ bé đến lúc bấy giờ vừa 17 tuổi,tự nhiên tôi có khách mới chết chứ. Khách không mời mà đến,lại đến vào buổi chiều tối. Cơm chiều đang nấu,lẽ đương nhiên tôi phải mời khách ở lại ăn cơm với gia đình. Nói thật lúc ấy tôi cũng mừng, vì điều mình mong ước tự nhiên tới. Cứ như trời có mắt dẫn dắt cho mình cái điều mong ước ấy.H nhờ B (là cháu gọi tôi bằng cậu họ) dẫn về      chơi cho biết nhà anh Thảo.
     Chao ôi! Nhà nghèo tôi lại tự ti,có dám mời chào ai bao giờ , nhưng mà sĩ ,sĩ thật. Cứ làm như ta đây oai lắm,nhà ta cũng được lắm. Thế rồi con cá còn dưới ao hợp tác xã,chợ phiên 5 ngày mới có,biết xoay sở vào đâu. Tiếng là nhà quê nhưng cả nhà có duy nhất một ổ gà đang ấp. Bố tôi đi vào Đồng Châu lấy sắn không có nhà. Mẹ tôi đang gẩy dạ đun nấu nồi cơm trong bếp. Tôi lân la nịnh mẹ rồi hỏi: "Nhà mình còn con gà nào không U?". "Còn có mỗi một con gà mái đang ấp",mẹ tôi trả lời. Tôi bảo với mẹ:"Thịt đi U",mẹ tôi bảo:"Nó đang ấp,thịt thì vứt ổ trứng đi à? Về thầy mày mắng chết." Tôi phụng phịu,mặt xị ra nói với mẹ mình:"Thế bây giờ lấy gì mà ăn". Mẹ tôi cũng muốn chiều con nhưng sợ chồng,đâm ra khó xử. Tôi nài nỉ một hồi rồi mẹ tôi cũng bằng lòng và bảo:"Thì bắt mà thịt". Tôi sung sướng biết chừng nào,lần đầu tiên có bạn,lại là bạn gái về chơi với mình mà có gà thịt đãi bạn thì oách quá còn gì nữa. Những thằng con trai đồng trang lứa với tôi thử hỏi đã có thằng nào được như thế.
    Bữa cơm chiều được dọn ra ăn uống,tuy đạm bạc nhưng vui lắm. Chỉ tội cho ông H(ở bến đò bình),là bố cháu B ở nhà đợi con đi học về ăn cơm mà sao mãi 7h tối vẫn không thấy về. Ông lấy làm lạ,xưa nay chưa bao giờ cái quy luật đi,về của cháu B bị phá vỡ như vậy. Ông nghĩ đến những điều chẳng lành xảy ra với B chăng? Từ sâu thẳm trong lòng,ông sợ B đi xe đạp(thiếu nhi Đông Đức) chưa quen,có khi nào cháu lao xuống ngòi dọc theo đường 183 (đoạn từ cầu Thiên về làng Chụ)mà chết ngụp không? Thế rồi ông thắp cái đèn chai(đèn dầu xách tay,cắt chai chụp vào làm bóng)xách đi soi dọc bờ ngòi khoảng 2km. Không thấy gì,ông không biết vơ víu vào đâu được nữa,chỉ còn mỗi một cách: Rẽ vào cậu Thảo ở làng Nội hỏi thăm xem có thông tin gì về cháu không? Vì cậu cũng học trong trường huyện mà. Đúng là linh tính mách bảo ông ấy. Khi cả nhà tôi vừa ăn cơm xong đang ngồi nói chuyện vui vẻ,thấy ông mặc áo rét xách đèn chai vào hỏi thăm,vô tình gặp luôn cả bọn(gọi là cả bọn chứ chỉ có tôi,B và H).Ông dãi bầy,chia sẻ lỗi lo từ tối đến giờ về đứa con gái yêu của mình. Có ai ngờ: Nể bạn,B cũng phá rào chiều bạn,cúp cơm gia đình về cậu Thảo chơi ăn cơm tối. Thời ấy thông tin khó khăn lắm,chứ như bây giờ thì đâu có chuyện gì để nói.
     Một năm sau đó chúng tôi không gần nhau nữa vì những thực tế phũ phàng. Thế rồi rời ghế nhà trường,tôi đi lính,vào Nam chiến đấu. Kỉ niệm chôn vào dĩ vãng.


NỤ CƯỜI LÍNH
Lính chì,ngất ngưởng,vô tư.
Trọng tình,hiếu nghĩa,chẳng sư nào bằng.
Người đời tính toán thiệt hơn.
chọn quà cũng phải xứng tầm mới ưng.

THƠ CHO CON

Các con còn nhỏ lắm .
       Vực đời sâu thăm thẳm .
       Nếu không Cha dẫn đường .
       Dìu dắt trong yêu thương .
       Các con đà xuống vực .
       Một mai con ý thức .
       Sẽ hiểu thôi tình Cha .
       Không dám bỏ đi xa .
       Không làm điều thất đức .
       Cha sợ con xuống vực .
       Vực đời sâu lắm con .
       
        Nếu sống ở trên đời .
        Không tìm ra hạnh phúc .
        Nghĩa là rơi xuống vực .
        Các con có hiểu đâu .?
        Muốn không xuống vực sâu ,
        Là phải chăm học tập .
        Biết yêu thương đùm bọc .
        Biết lao động giỏi giang .
        Tư cách phải đàng hoàng .
        Tính tình phải hiền dịu .
        Khôn ngoan không thể thiếu .
        Vụng dại không thể thừa .
        Hay dở chớ đẩy đưa .
        Sống cuộc đời đủ nghĩa .

TÌNH BẠN CHÂN THÀNH ( Tiếp theo )

Không biết tôi nhận xét có đúng không, nhưng quả thật bản chất của thằng bạn rất đỗi thật thà và chân thành. Hắn không phách lối như những ông quan khác, mà rất dễ gần. Hắn là thằng có trách nhiệm trong đám bạn bè bất kể sang hèn, hắn cũng là người coi trọng đạo nghĩa đối vói mọi người, nhất là cha mẹ và thầy cô giáo, những người đã từng sinh ra hắn và dạy dỗ hắn nên người.
     Từ ngày hắn tìm thấy tôi ( thằng bạn học phổ thông nghèo hèn, phiêu bạt ở phương Nam ). Hắn nhất định cứ có dịp vào nam công tác là kiểu gì cũng phải tìm gặp bạn. Thấy tôi còn vất vả hắn động lòng trắc ẩn. Tìm phương kế giúp đỡ theo kiểu : " cho mày cái cần câu ,chứ không cho con cá ". Hễ có điều kiện là hắn cho bố con tôi bám càng đi chơi du lịch ngay, tìm gặp lại số bạn học cũ cùng quê đang làm ăn, công tác ở phía Nam.
     Thấy tôi theo học ngành chăn nuôi thú y, mà thằng ( C ) bạn học cũ đang ở SG ( học Dược đại học ), nhưng lại sản xuất thuốc Thú y . Thế là bằng mọi cách hắn vận động, tác hợp hai thằng lại để bổ trợ cho nhau trong làm ăn. Công nhận hắn có óc tổ chức tốt. Khi tôi vừa đủ 50 tuổi và giám định sức khỏe đươc về hưu sớm (2003 ) tôi đã về làm cho (C ) với cái chức: Phó GĐ kinh doanh của Công ty mới ghê chứ. Tôi nhận được mức lương thằng bạn trả gấp 8 lần mức lương công chức của tôi lúc bấy giờ. Tuy vậy áp lực công việc cũng ghê gớm, tôi tự nhủ mình cũng phải làm sao cho xứng đáng với đồng tiền lương bạn trả cho mình. Thế là hai thằng tôi chụm đầu bàn bạc lên kế hoạch sản xuất tiêu thụ. (C ) đưa tôi đi một vòng găp gỡ toàn bộ khách hàng của Công ty ở miền Nam, giới thiệu danh tính, chức quyền của tôi với khách hàng, từ đó giao quyền kinh doanh tiếp thị cho tôi. Cũng nhờ miệng lưỡi đưa đẩy khéo mà tôi quan hệ được hầu như tất cả những chỗ mà (C ) chưa đưa hàng vào được. Nhất là những thị trường khó tính như Đồng Nai (trung tâm chăn nuôi gia súc, gia cầm, chiếm tới 1/3 tổng đàn trên cả nước). Tôi nhớ khi có tôi về bán hàng , lúc ấy CT sản xuất không kịp hàng giao cho khách, phải tuyển thêm công nhân và làm tăng ca nữa chứ . (C ) nói với tôi :" giá như gặp nhau sớm thì hay biết mấy " . Có những mặt hàng có giá trị, lại độc quyền sản xuât như Aminovitan lọ 20ml chẳng hạn (C ) hỏi tôi :" tăng từ 2.700đ /lọ lên 3.500đ / lọ có bán được không ?". Tôi bảo (C ) " tăng hẳn lên 10.000đ / lọ cho dễ tính tiền, tao bán cho ". (C ) tỏ vẻ nghi ngờ, nhưng rồi cũng nghe tôi cứ tăng và báo giá như tôi nói . Chúng tôi không ngờ mặt hàng ấy tiêu thụ hàng tháng tăng gấp mấy chục lần, thế thì tiền để đâu cho hết chứ ? Tư nhân mà, (C ) có biết đâu càng bán rẻ, thiên hạ càng cho là hàng dổm không mua. Bây giờ có cái tài khua môi múa mép của tôi cộng thêm giá cao như giá ngoại nhập, thiên hạ tin tiêu thụ ào ào. Tất nhiên chất lượng sản phẩm phải được người tiêu dùng chấp nhận.
     Những năm tháng ấy chúng tôi như anh em một nhà, thỉnh thoảng thằng M và hắn ở Hà Nội vào, tôi, C, K, ở SG gặp nhau là chén chú chén anh vui lắm, thằng C chi hết, chi thế chứ chi nữa cũng chẳng tới đâu đối với ông chủ (C ). Một ngày nọ, vợ chồng Q + Â vào thăm bà con và du lịch ở SG, C điều ngay một xe du lịch chở bọn tôi từ Sài Gòn về thăm thằng H ở Vũng tàu, ăn nhậu xong lại về SG định vị . Bạn bè lâu ngày gặp nhau, đi dường cứ vui như tết ấy. Đời có lúc cũng sướng thật.
     Sau này vì vợ con gia đình, tôi không thể ở SG làm với (C )được nữa. Về mở cửa hàng Dược Thú Y ở Đồng Nai để kèm cặp vợ con làm ăn, học hành. Thằng bạn cũng nghỉ hưu ở Hà Nội. Chúng tôi ít gặp nhau nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Cũng nhờ chuyến đi SG năm ấy mà tôi mở ra được hướng làm ăn mới, thu nhập tàm tạm, đủ cho con cái học hành và nhàn nhã bản thân. Tôi thầm cảm ơn hắn mãi, nhờ hắn mà tôi có cái cần câu cơm hôm nay chứ không cũng còn vất vả. Bây giờ nghĩ đến tri ân, tôi và gia đình càng thấy quý trọng hắn. Không phải vì chức quyền của hắn, mà vì : " TÌNH BẠN CHÂN THÀNH ".Hắn chính là : Đại tá Nguyễn khắc Nguyệt - lính xe tăng chiếm dinh Độc lập năm 1975 .( hết)

ĐỒNG ĐỘI TÔI

Đồng đội tôi, bốn mươi năm gặp lại.
Da mặt nhăn, tóc cũng đã bạc nhiều .
Nhưng nụ cười thì mãi cứ đáng yêu .
Chất lính vô tư , cười đùa thỏa thích .
   Nhớ lắm ngày xưa, cùng nhau vào chiến dịch.
   Gio thì mỗi đứa một phương .
   Đứa dưới biển, đứa trên rừng .
   Đứa đói, đứa no, vui, buồn, sướng khổ .
Thôi đành vậy, âu cũng là cái số .
Miễn rằng ta mãi tìm nhau ,
Miễn rằng ta vẫn trước sau ,
Yêu thương đời lính, nghèo giầu kể chi ;

    -Viết tặng đồng đội lính Trường sơn nhân dịp gặp mặt tri ân năm 2010 và kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ 13/5/1971- 13/5/ 2011

YÊU:"SAY"

Má hây hây,ngực phập phồng.
Tình em thổn thức cho lòng anh say.
Hai ta tình nghĩa đong đầy.
Yêu em anh cứ như say rượu nồng.
Men tình ngấm sâu vào trong.
Tim anh rạo rực,chờ mong tháng ngày.
Tình trao,hạnh phúc hôm nay.
Em ơi giữ lấy,đừng ngày chia ly.

YÊU:"NỒNG".

Đường xa"Tình"chẳng có xa.
Thương nhau thì kể trẻ,già chi em.
Biết là rủ trướng,buông rèm.
Yêu nhau cùng vén mà xem cuộc tình.
Đó xinh,đây cũng xinh xinh.
Cũng say,cũng đắm,cũng tình cuồng si.

YÊU:"THẦM".

Không trông lại bảo không trông.
Trông thì bên ấy biết lòng dạ sao?
Biết rằng đất thấp,trời cao.
Trăng kia vẫn sáng hơn sao đó mà.
Yêu nhau vì có nết na.
Lời ăn tiếng nói mặn mà với nhau.
Yêu nhau có trước có sau.
Cho dù cay chát-trầu cau vẫn nồng.
Yêu rồi kết nối tơ hồng.
Kết duyên chồng vợ thỏa lòng ước ao.

TÌNH BẠN CHÂN THÀNH


-Tôi có thể nói như thế về hắn; Hắn cùng lớp tôi hồi học ở trường cấp3 Sao Đỏ-Chí Linh(Khóa 1968-1971). Thực ra tôi nghe chuyện hắn từ lúc chưa học cùng nhau, qua chuyện kể của ĐVN ngày ấy. Vì N và hắn cùng trong đội học sinh giỏi toán, được huyện tập chung bồi dưỡng để thi tỉnh. Biệt tài của hắn lúc bấy giờ khiến cả nhóm phải nể phục là: "Chạy xe đạp không phanh trên bờ ruộng quanh co tùy ý". Mà lại là xe đua Liên Xô nữa chứ. Quả thật sau này học chung tôi thấy hắn còn đi chiếc xe đạp đó,có thể nói chỉ có khung xe với bánh xe ngoài ra chẳng còn gì nữa. Xe hắn giống như người cởi trần vậy. Hắn học thì giỏi thật, chỉ một học kì là cướp mất chức lớp phó học tập của tôi. Hắn cao lêu nghêu nhưng không béo nhìn hóa ra lòng khòng chứ đâu có phong độ như bây giờ. Tôi cảm phục cái tư chất trong con người hắn vì hắn học giỏi toàn diện. Chỉ mỗi tội ngô nghê về tình yêu,hình như lúc ấy trong hắn không có khái niệm"yêu". Dù cũng đã 18tuổi.
-Rời ghế nhà trường tháng5/1971 chiến tranh buộc chúng tôi phải xa nhau. Sau này do cuộc sống thăng trầm của đời tôi mà tôi không còn gặp lại được bạn bè có chức quyền như hắn nữa. Nhưng dù tôi có thế nào thì hắn cũng nhớ tôi và nhất định tìm tôi cũng như tìm những người bạn khác. Thế rồi chẳng biết hắn có thông tin về tôi từ đâu mà sau mấy mươi năm xa cách,hắn tìm ra tôi thật. Hôm ấy hắn mang quân hàm trung tá QĐNDVN. Hắn cao to, oách lắm.Vào cơ quan tôi(bệnh viện TN-ĐN) tìm hỏi Thảo. Tôi đang họp ở hội trường cơ quan, được cô văn thư vào nói nhỏ:"có ông công an nào tìm gặp anh". Hắn làm người ta sợ,lo cho tôi có án gì chăng mà lại bị công an tìm hỏi?. Tôi cũng bất ngờ,chẳng hiểu gì cả,nhưng cũng cứ ra. Hóa ra là ông bộ đội chứ có phải ông công an đâu. Tôi định thần kỹ lại rồi hô to:"Nguyệt". Hai thằng tôi lao vào ôm lấy nhau. Hắn bảo:"Tao tưởng mày không nhận ra tao,tao sẽ quay lại đi luôn.". Tôi quá bất ngờ và súc động trước tình bạn chân thành và quá đỗi thân thương ấy. Tôi xin phép nghỉ họp ngay,đưa thằng bạn về nhà mình ở ngoài cổng bệnh viện. Cả cơ quan tôi cũng giáo giác nhìn theo,không hiểu sao ông Thảo lại có những người bạn là sĩ quan to đến thế? Họ nể phục,dĩ nhiên tôi rất tự hào. Mà tính tôi hắn cũng lạ gì,thích hình thức hơn cả tiền bạc. Tôi vẫn nghĩ:"Cái danh dự mà bạn bè mang lại cho mình đôi khi có tiền không mua được."
-Thế rồi chúng tôi nhậu(uống rượu) cả buổi chiều hôm ấy,mượn rượu tâm giao. Nhà tôi lúc ấy cũng còn nghèo lắm,có mỗi cái xác nhà với một cái giường. Đêm ấy tôi đuổi vợ con xuống nằm đất,hai thằng tôi ôm nhau ngủ trên giường,hắn ngáy to đến nỗi cả nhà không ngủ dược. Tôi nghĩ cái thằng này mà thời chiến ngủ ngoài xe tăng chắc biệt kích trong rừng cách 1km nó cũng phát hiện. Sáng hôm sau tôi lấy xe máy 82 chở hắn qua trường HSQ Tăng Thiết Giáp ở Long Thành. Quả thật hai thằng to và nặng quá,chiếc xe cứ ì ra khi lên dốc cầu An Viễn.
-Sau này cứ mỗi lần vào Nam công tác, hắn thế nào cũng thu xếp thăm tôi. được cái vợ tôi cũng hiếu khách và coi hắn như người anh trai của mình,các con tôi thì quý hắn như ông bác họ.

Thế gian có câu : "Thấy sang bắt quàng làm họ". Câu này thật đúng với gia đình nhà tôi; Chả là tôi bị cái ước muốn của cha tôi nó vận vào cuộc đời mình:( cha tôi đẻ năm người con trai liền không có con gái, ông khát khao có được bốn cô tố nữ chứ không muốn đẻ thêm con trai nữa. Thế là chợ tết năm nọ, cụ đi chợ và rước ngay tranh bốn cô "Cầm, Kỳ, Thi, Họa" về treo vào đầu giường nơi tôi ngủ). chỗ cái giường tre sát cửa sổ phía sân nhà mà thằng bạn tôi (Nguyệt) nó tả trong 3 chìm 7 nổi 9 cái lênh đênh đấy.Có ai ngờ tôi ngắm riết rồi cũng sanh con theo ý cụ. Một mạch 4 cô con gái: Nhàn, Nhã, Trang, Dung. Mà tôi là con trưởng, cháu đích tôn mới chết chứ. Thế rồi khi cháu lớn (Nhàn) học hết 12 không đỗ Đại học tôi nghĩ cho cháu theo ngành y, vậy là gởi cháu đi học lớp dược tá một năm ở Sài gòn. Học xong muốn cho cháu học tiếp lên trung cấp, thì người ta đòi phải có thời gian công tác ít nhất một năm. Bí quá tôi tính gửi cháu đi làm ở Sài gòn rồi năm sau học tiếp chứ không muốn cho cháu về.Tôi liên hệ với chú H người cùng xã (là đàn em học sau tôi mấy lớp) mà anh trai chú ấy lại đi lính cùng với tôi một ngày 13/05/71. Chú ấy nhiệt tình lắm nhưng có nói với tôi: "Nếu cho cháu làm với chú thì phải làm luôn, chú ấy sẽ đào tạo cho học hết Đai học". Nhưng không phải ngành dược mà là ngành thương mại xuất nhập khẩu gì đó (lúc này chú đang là Giám đốc một chi nhánh của công ty xuất nhập khẩu điện máy gì ấy của tỉnh Hà Tây thì phải, có văn phòng đặt ở lầu 5 trung tâm thương mại Sài gòn). Tôi cứ tiếc một năm nuôi con ăn học ngành dược rồi cũng tốn kém mà nhà lại nghèo nữa, bỏ thì tiếc quá, tôi cảm ơn chú ấy xin về suy nghĩ lại.
Dịp ấy quê tôi đang tuyển nghĩa vụ quân sự - có tuyển nữ. Thế là tôi cho con tôi đi khám nghĩa vụ quân sự, chỉ trộm nghĩ mình nghèo cho con vào bộ đội để dựa vào nhà nước mà ăn học, vì đã đến lúc con thứ hai vào Đại học, con thứ ba học cấp 3, còn con thứ tư, thằng thứ năm cũng phải học nữa chứ. Cũng may nhờ phúc đức ông bà nâng đỡ chứ không đúng một tháng sau trung tâm thương maị Sài gòn bị cháy, con tôi chắc cùng chung số phận với 11 đứa ở cái văn phòng đại diện ấy, trong đó có cả con trai anh Đ là cháu ruột của chú H.Tất cả đều bị cháy đến mức phải xet nghiệm ADN mới biết được danh tính, có ai biết đâu cái "phúc" to hơn đình của bố con tôi, họ chỉ nghĩ sao ông Thảo hăng thế con gái mà cho đi bộ đội, tôi cứ cười và thưa rằng: "mình con cháu bác Hồ mà".
Ôi chao.......ngày cháu lên đường địa phương động viên, khích lệ rình rang lắm, tôi 30 năm tuổi "đối tượng Đảng" mà cũng được mời về huyện ủy dự lễ lạc oai lắm (hình như lúc ấy cả huyện có một mình con gái tôi trúng tuyển),tôi còn đọc một bài thơ viết cho con gái giữa hội trường huyện ủy nữa mới oách chứ.
Bài thơ có tựa đề: Khuyên con.
Cha sinh con gái ngoan hiền
Đào tơ liễu yếu không quen khổ rèn
Bây giờ tổ quốc bình yên
Con đâu thấy cảnh bom rền đạn bay
Ông, Cha con ở tuổi này
Dân ta rên siết dưới giày thực dân
Căm thù giặc đã tòng quân
Sẵn sàng hiến cả tuổi xuân của mình
Dù gian khổ - Dẫu hy sinh
Hiên ngang đánh giặc nặng tình nước non
Giờ đây thế hệ các con
Công ơn Đảng - Bác vẫn còn nặng ghi
Theo cha con hãy ra đi
Phục vụ quân đội ngại gì khó khăn
Một ngày mai sẽ vinh quang
Giữa lòng dân, Đảng hát vang khải hoàn.
Ngày lên đường có ai ngờ cháu được biên chế về trường hạ sĩ quan xe tăng của BTL Tăng Thiết Giáp ở Long Thành - Đồng Nai. May quá có thằng bạn là thầy dậy ở phòng quân huấn BTL Tăng Thiết Giáp thì tội gì không nhận họ để ghé bóng cầu rợp. Với lại mẹ cháu cùng quê (xã Cộng Hòa) với bác ấy, lại hao hao giống cứ như anh em ruột chứ chẳng phải họ nữa. Nghiễm nhiên từ đó ai cũng biết con Nhàn là cháu bác N và thực sự cháu được bác quan tâm nên cũng mát mặt. Vì lãnh đạo của cháu đều là đàn em của bác mà  thậm chí còn là học trò của bác nữa. Bác như cây đại thụ trong cái binh chủng xe tăng ấy còn gì, chỉ tội bác giỏi thì người ta biết, người ta nể bác thôi chứ người ta không muốn trao quyền lãnh đạo cho bác. Tôi không phản đối tiêu cực, nhưng quả thật cũng thấy chính sách sử dụng người tài của ta còn nhiều điều cần mổ xẻ lắm. Tiếc cho thằng bạn mình cũng lỡ thời. Có lẽ vì bạn tôi sống chân tình và thật thà quá nên đóng góp hết thành tích cho người khác, chỉ nhận về mình những nụ cười khì.....khì.
 
còn nữa....

XUÂN THẢO ĐỒNG NAI XIN KÍNH CHÀO TRANG "TRI ÂN CUỘC ĐỜI".

-Thằng bạn tôi: Nguyễn Khắc Nguyệt bảo tôi ba chìm bảy nổi chín lênh đênh chứ thực tế tôi là: Bảy chìm chỉ có ba nổi còn tới mười mấy cái lênh đênh cơ. Đúng là thằng khổ đối nghịch với thằng sướng(K) bạn tôi. Thằng bạn tôi nó nói đúng; Thằng sướng nó sướng bao nhiêu thì thằng khổ này khổ bấy nhiêu. Chẳng là ông nội tôi có mỗi một người con là bố tôi, mẹ tôi cũng con một. Các cụ sợ sau này con cháu thất bát nên mong muốn sống thảo hiền. Ông tôi vốn là thầy kí có chút vốn chữ nho nhưng lại sống với Tây(chuyên chụp ảnh ở tiệm dành cho Tây,đầm) Ước mong có bầy cháu là mười thằng cháu trai để ra sông kéo chuông vàng(Trời cho).Nên cụ đặt tên trước hết cả, mà không hiểu sao chỉ có chín cái tên được đặt trước là: Thảo,Hiền,Phúc, Lộc,Lưu,Truyền,Vạn,Triệu,Long. Vậy mà bố mẹ tôi xin hạ chín anh em tôi thật, chỉ khác từ đứa thứ sáu mang tên khác là: Thoa,Nhung,Hợi,Hanh.
-Có một ông thầy phán rằng: Sai lầm của ông tôi là đứa cháu đầu lòng,đích tôn đem đặt tên là Thảo thì chẳng còn giữ được gì nữa, nghèo suốt đời. Thảo là con thứ thì tốt hơn, khá hơn. Lại thêm khi bố mẹ tôi sinh năm người con trai(ngũ quỷ) thì hạ sinh một cô em gái lại đặt tên là Thoa. Tôi nhớ khi ấy tôi còn nhỏ(12 tuổi) nhà nghèo lắm,bà nội tôi: Con độc,cháu đàn phải vào Đồng Châu xã Hoàng Hoa Thám phá rừng chồng sắn để chu cấp cho chúng tôi ăn học. Năm 1965 tôi 12 tuổi phải đi bộ từ ngoài xã Tân Dân vào Đồng Châu khoảng 30km để lấy sắn tươi về cho gia đình ăn(mỗi tuần một lần vào ngày thứ bảy và chủ nhật). Hôm đó tôi khoe với bà,mẹ cháu đẻ em gái rồi, đặt tên là Nguyễn Thị Kim Thoa. Bà tôi nói ngay"sao không đặt tên nó là Nhàn lại đặt tên là Thoa.Kim Thoa Thúy Kiều,hồng nhan bạc mệnh". Không ngờ bà nói đúng,em tôi 21 tuổi đẹp như tranh vẽ vừa mới có chồng, có con chưa đầy 1 tuổi,em đã vĩnh viễn ra đi(1986).
-Chẳng biết ông thầy phán kia phán có đúng không,nhưng ngẫm cuộc đời tôi khổ thật. Nhà nghèo lắm,em đông,bố yếu mẹ hiền lành,chỉ biết ra đồng làm rồi về nhà theo tiếng kẻng cuả hợp tác xã nông nghiệp. Năm anh em trai chúng tôi lớn thằng nào ra chiến trường thằng ấy.Từ chống Mỹ đến chống bành chướng BK,có đâu giúp được mẹ cha. Năm 28 tuổi chưa lập gia đình, tôi đã phải lo ma cho bố,rồi năm sau tiếp lo ma cho ông nội. Dựng vợ gả chồng cho 3 người em xong tôi mới đi lập gia đình.
-Vợ tôi dân vùng Chi Ngãi xã Cộng Hòa quả là con người đầy can đảm và nghị lực. Không hiểu nàng yêu tôi đến đâu nhưng đúng là ghé vai gánh vác gần như toàn bộ cái bè sắp vỡ lại phải kéo ngược dòng cùng với tôi. Bây giờ nghĩ lại quá khứ cuộc đời tôi sợ lắm,mà cũng tự hào lắm.  Muốn tri ân lắm: Những người như mẹ cha sinh ra  mình, như thầy cô dạy bảo mình,như vợ yêu ghé vai gánh vác với mình,như bạn bè yêu quý,như đồng đội thân thương.
-Thật may mắn cho tôi có được trang:"Tri Ân Cuộc Đời" để dốc bầu tâm sự, gởi gắm yêu thương,trăn trở cuộc đời. Xin cám ơn"Tri Ân",cám ơn dự án 1044.Tôi thật sự súc động khi biết mình không bị bỏ rơi.Ôi! thầy cô tôi,đồng đội tôi,bạn bè tôi những người tưởng như thánh thiện. Phải chăng cũng nhờ sự hướng thiện từ ban đầu ông nội tôi mong muốn mà cuộc đời tôi có hồi kết không tồi?.Cho dù chưa có tới đâu.
-Một lần nữa Thảo tôi xin biết ơn tất cả những tình cảm tốt đẹp đã ưu ái dành cho Thảo,đến với Thảo.
Xin chân thành cảm ơn.!

Thằng Khổ.

Khổ ơi! Cũng một kiếp người.
Mà đời lận đận chơi vơi giữa dòng.
Đành rằng suối đổ về sông.
Nước kia ra biển mênh mông vơi đầy.
Đành rằng vơ vẩn trời mây.
Gió đưa đi hết chỗ này, chỗ kia.
Một mình đêm vắng canh khuya.
Một đời thằng Khổ bộn bề lo toan.

Hôm nay dẫu phải lên ngàn.
Thằng Khổ có bạn, cơ hàn có nhau.
Phải chăng có trước, có sau?
Phải chăng tình nghĩa, lại giầu nhân văn?
Nay còn có hội tri ân .


Thằng Khổ bớt khổ, nợ nần bớt lo.
Như thầy tôi nói hôm xưa.
“Lãi tri ân” có bao giờ sai đâu?

Kỷ niệm ngày nhận máy của “Tri ân cuộc đời”.

Thằng Sướng.

Thằng Sướng, nó sướng cũng đúng thôi.
Đã giàu, lại đẹp, mặt tinh khôi.
Nói năng ý tứ, tình thơ mộng.
Tài, đức ở đời vẹn cả đôi.

Ngẫm đời sướng khổ do trời định.
Tạo hóa sinh ra vẫn công bằng.
Sướng, khổ trước sau đời phải có.
Hoàng hôn rồi-ắt phải bình minh.

Vòng đời luẩn quẩn ôi sướng khổ!
Khổ sướng chi bằng sống tri ân.
Đạo nghĩa ở đời ta luôn giữ.
Dẫu đói, dẫu no, dẫu phong trần.

Sẽ có một ngày ta cũng sướng.!

ẢNH DALAT 26/7/2011