Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

NGẪM THEO

Chưa chìm, chưa đắm cũng chưa bi
Nhưng cứ đà này ắt sẽ nguy
Tướng tá, chức quyền mua được cả
Buộc lòng quan lại chúng thu, chi

Văn bằng chứng chỉ - trên bàn nhậu
Dự án, công trình - chạy, bán, mua
Án xử ngồi tù - thành tại ngoại
Oan khiên chồng chất - vẫn như đùa

Dân nhỏ nghèo hèn - ca oán thán
Quan to nhầy nhụa - quát dương uy
Dân chủ, luận bàn - kiêng giữ miệng
Chẳng riêng vận nước - mạng cũng suy

Kinh tế rõ ràng đang tăng trưởng
Lòng dân có mất cũng bình thường
Đục nước béo cò vơ vét đã
Giầu có tiền nhiều khối kẻ thương .

                       XT   01/9/2014


Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

                 CÓ MỘT CUỘC ĐỜI ( Tiếp theo 3)

      Ngày ấy chăn trâu còn nhiều gò đống để chăn thả , trâu nhà nó nhận chăn dắt toàn là những con trâu đực mộng , mình cao to , mắt đỏ , sừng dài , người lạ nhìn đã sợ . Thế nhưng với nó thì cũng bình thường thôi vì con vật cũng biết thân quen mà , nó còn nhỏ mỗi lần muốn cưỡi lên lưng trâu nó thường phải đè đầu trâu xuống rồi trèo đứng lên hai bên sừng cho trâu ngẩng đầu đưa nó lên lưng , không thì cũng phải bắc một chân vào hốc chân trước con trâu rồi quăng chân còn lại phi lên lưng trâu mà ngồi . Bọn trẻ chăn trâu bấy giờ có cả nó rất thường hay cưỡi trâu phi đua tốc độ , trâu nhà nó to khỏe chạy nhanh, nhưng mà hay chứng , cũng có khi nó bị trâu lồng lên rồi quật ngã nó xuống ruộng nước làm ướt sũng . Sợ nhất về mùa đông , trâu thường bị nhốt ở nhà tránh rét , gặp khi trời ấm cho ra chăn dắt , đang cuồng cẳng do phải đứng nhiều ngày, trâu rổng mỡ nhảy lồng lên rồi chạy khắp đồng , nó không đuổi kịp cứ vừa đuổi theo vừa khóc . Ngoài chăn trâu nó còn được mẹ nó huấn luyện cho biết cắt cỏ , những ngày đầu còn đi theo mẹ cắt được nắm nào mẹ nó gánh cả về cho , dần dà rồi nó bị người lớn sai tự mang quang gánh đi cắt được bao nhiêu tự gánh quẩy về , có hôm nó sang cánh đồng làng khác có cỏ tốt hơn cắt rồi bị cho là cắt trộm cỏ , người ta thu giữ bắt hết cả liềm cùng quang gánh, nó lại khóc về không , còn bị bố mẹ la rày nữa chứ . Cứ như thế suốt một quãng đời tuổi thơ của nó là nửa ngày cắt cỏ chăn trâu, nửa ngày đi học . Thực ra nhà nó trước cải cách có thua kém mấy ai , cái thời mà lý trưởng còn phải cưỡi ngựa đi lại trong thôn thì ông nội nó đã cưỡi xe đạp pô rô bấm chuông kính coong chạy khắp làng trên , xóm dưới rồi chứ . Sau này ruộng đất hiến vào hợp tác xã nông nghiệp hết , cuộc sống phụ thuộc vào công điểm , bố mẹ nó thật thà lại đông con toàn là con trai ăn khỏe , nghịch khỏe chứ giúp bố mẹ được bao nhiêu , thành thử cứ nghèo dần đi, cho đến khi nó có chín anh em thì cuộc sống vô cùng khó khăn chật vật .
     ( còn nữa)



Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014



               CÓ MỘT CUỘC ĐỜI (tiếp theo 2 )


     Vào năm nó học lớp hai ở trường làng, lớp học có chừng vài chục đứa trong thôn bỗng một hôm có thằng bạn mới (thằng Nghị) đến nhập học, Nghị đến sớm nhưng không có chỗ ngồi , đứng quanh quẩn . Lúc thày giáo đến Nghị ngồi vào bàn thằng Hòe, bị thằng Hòe đẩy ra, lại ngồi vào bàn thằng Thắng cũng bị Thắng xô ra , bị ma cũ bắt nạt ma mới , Nghị đứng ngay cạnh nó mà khóc, chẳng hiểu sao nó tự giác ngồi xích vào bảo Nghị "mày ngồi đây với tao". Thế rồi từ đó hai thằng trở thành bạn thân với nhau , nhưng công nhận tố chất thông minh trong con người  Nghị thì hơn hẳn nó, mặc dù nó vẫn cùng Nghị đi thi tuyển cả văn lẫn toán trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện cho tới hết lớp bảy ngày xưa. Nó mê chơi nhưng ham học , còn nhỏ lúc nào nó cũng nghĩ đến chế tạo ra máy móc, ô tô hay cái gì đó , khổ nỗi ngày ấy chỉ nhặt được vài mẩu gỗ vụn vuông vắn đem xếp xếp, ghép ghép đã là thích lắm rồi. Trời mưa mẹ nó ngồi nhà khâu vá quần áo , bố nó đi kéo vó tay, nó cũng mang dao với tre ra trẻ vót cột buộc làm cái vó bè kéo nghịch ở sân.
       Nhà thằng Nghị cũng nghèo như  nhà nó, bố thằng Nghị bảo thế. Thế nhưng ông cụ nhà Nghị còn có cái nghề rèn , người xưa thường nói “ nhất nghệ tinh nhất thân vinh “ mà , cho nên nghèo thôi chứ thằng Nghị nó không đói bao giờ. Cái thằng ấy giỏi từ bé, vừa quay bễ vừa đọc báo cho bố nó nghe , luyến thắng mà không sót chữ nào. Cứ mỗi lần đi thi học sinh giỏi huyện hai thằng lại mang theo cơm nắm ,vì người ta thi có một môn hoặc văn hoặc toán xong là người ta về, hai thằng thì cứ sáng mà thi toán thì chiều thi văn , tất nhiên là trưa ăn cơm nắm nghỉ tại trường, và lần nào cũng thế chỉ thằng Nghị có thức ăn, không thịt kho cũng có tôm tép kho còn nó thì chuyên ăn ké chứ thịt cá đâu ra, may chăng có được quả trứng bác là quý lắm rồi. Thế nhưng ngày ấy nó khổ thế mà nó cứ học giỏi mới lạ chứ , nhiều bậc phụ huynh đi họp cho con nghe thày cô giáo khen nó nghĩ phát thèm, có người còn nói với mẹ nó là muốn đổi tiền của lúa gạo để có được thằng con ngoan học giỏi như nó. Chính điều ấy làm cho bố mẹ nó cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện với dân làng , chứ lúc ấy nghèo đói đâu dám ngẩng mặt với đời . Nó khác thằng bạn Nghị là nó phải chăn trâu, cắt cỏ nửa ngày còn nửa ngày kia đi học . Bố mẹ nó đẻ toàn con trai hai năm một đứa , nó mới học đến lớp bốn mà đã có tới năm anh em trai, bố nó nhận chăn cho HTX những con trâu đực dữ tợn nhất không ai muốn chăn dắt để lấy nhiều điểm, các cụ thật thà nghe trên họ lịnh thì lấy làm mừng mà gánh vác cho HTX chứ thực ra thóc để ở sân kho họ chia cho hột nào biết hột đó , có nhiều công cũng vô ích chứ được gì, bởi nhẽ cứ thu hoạch xong cân đối thu chi , họ lại tuyên bố công ria rô lạng (10 điểm là một công mà không có lạng thóc nào) rồi họ chia cho mỗi người mấy chục kg lúa, quậy hồ không đủ chứ đừng nói nấu cháo trong sáu tháng trời . Rõ là các cụ thật thà hóa làm khổ con cháu , mà nó thằng con lớn thì phải khổ nhất .
       ( còn nữa )



Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

CÓ MỘT CUỘC ĐỜI ( 1 )

        TUỔI THƠ

            Nó là con trưởng cháu đích tôn trong một gia đình mà cả bố và mẹ nó đều là con một. Ông nội nó là ông ký ảnh, học việc và làm thuê cho tiệm ảnh của ông Nguyễn bá Chành ( Bố đẻ của nghệ sĩ ,đạo diễn phim truyện Việt nam : Bạch Diệp) từ những năm 1925, thời mà cả thành phố Hải Phòng mới có hai hiệu ảnh.Còn ông ngoại nó là ông Vệ (do Pháp bắt đi lính sang Pháp trong những năm chiến tranh thế giới Pháp-Đức). Nó đương nhiên được quý chiều lắm chứ, lúc một hai tuổi ông nội , ông ngoại nó thay nhau kiệu nó trên vai dong chơi khắp họ. Chả là nhà nó cũng to họ lớn làng , xem ra cũng toàn chánh phó lý giàu có nhất vùng ấy chứ , như cụ tổng Khuông ở tổng Đông đôi ngày xưa chẳng hạn ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Con cháu cụ sau này cũng có ông làm đến thứ trưởng bộ tư pháp nước  VNDCCH vậy. Hòa bình lập lại ở miền Bắc nó được đi học phổ thông từ năm 1961,so với bạn bè ở quê lúc bấy giờ nó là thằng học giỏi và nghịch ngợm. năm học lớp một ở đình làng nó đi học sớm cùng đám bạn trèo lên cây ổi cạnh bờ ao hò nhau rung tít như phi ngựa, thế rồi cây ổi bật gốc đổ xuống ao làm cả bọn ướt sũng như chuột lột phải về nhà thay quần áo. Khi nó đến lại lớp thì đã thấy cả bọn đứng xếp hàng chờ hình phạt ,nó cũng bị thày giáo hỏi " tay nào rung” rồi đặt tay lên gờ tường một dẫy dài theo các bạn .Thày chưa đánh mà đứa nào cũng mếu máo khóc , thế rồi mỗi đứa cũng phải chịu một thước vụt vào tay (tay rung đổ cây ). Chính cái thước của thày giáo già ngày ấy mới dạy con người ta làm người.
       Còn chưa sợ bằng những lần nó bơi lội ra giữa ao hay giữa đầm hái trộm sen , sợ người ta bắt được nó vẫy vùng bơi tháo chạy mặc cho gai sen cào xé rách khắp người, chưa kể có lần đuối sức uống no nước .Nào có làm gì, chỉ nhìn thấy sen đẹp thích thì hái trộm đứa một vài bông để ngửi hương thơm thôi mà . Nó cũng là thằng ham chơi lắm ,suốt ngày đánh đáo, đánh bi , những khi tết về thì thôi ,bỏ cả xôi thịt bánh chưng nhịn đói đi chơi theo bạn . Cũng  có lần nó chơi đánh đáo xu, dưới gốc cây táo già nhà bà Phong, cây táo có gai nhưng về dịp tết quả chín vàng sai ríu, nó đánh nhau với bạn để giữa ngày mồng một tết bạn thua chạy đến nhà nó cứ đọc tên ông bà, bố mẹ nó ra mà chửi , rõ là xui . Đã vậy đúng là trẻ con đánh nhau làm mất lòng người lớn bà mẹ thằng bạn thương sót con còn đến tận nhà nó mắng chửi bố mẹ nó nữa ,làm thằng bé sợ trốn mất tích, mấy ngày tết năm ấy toàn đi ăn trực mà chẳng biết sấu hổ .  
 ( còn nữa )

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

OAN KHIÊN

Cảm nghĩ khi em đọc bài MẸ TÔI của cô ST


Thời này cũng vậy cô ơi
Vẫn là nhộm nhoạm giữa người ngay, gian
Kẻ lũng đoạn,người chết oan
Đầy trong xã hội, ai màng xuể đâu
Bao thằng đánh dậm, chăn trâu
Chúng chỉ ra trận đánh nhau bằng mồm
Dùng tiền bạc chịu cúi luồn
Mua sẹo ghẻ nở thành " thương bom mìn"
Có thằng chống Cộng hy sinh
Trở thành " liệt sĩ " dân mình phải lo
Nhập nhèm nhờ có quan to
Ỷ đang quyền chức xét cho gia đình
Còn bao mất mát hy sinh
Của người không có chức quyền chịu oan
Biết bao khiếu kiện phàn nàn
Biết bao nhũng nhiễu hàm oan dân lành
Thôi thì cháo nóng húp quanh
Lỡ mà bỏng lưỡi cũng đành, biết sao ?
  
           X-T      ĐN 22/8/2014

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

GỞI BẠN

Cũng là ông cán được nghỉ hưu
Lương thấp lộc ban chẳng có nhiều
Không lẽ nằm chờ sung chín rụng
Buộc lòng xoay sở khỏi treo niêu
Mở mắt mỗi người sinh một nghiệp
Nhắm rồi chôn cất cũng như thiêu
To nhỏ ngắn dài đều vô nghĩa
Khuôn thước mà chi khổ thêm nhiều

      XT   8/2014

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Trả lời NKN

Đời tôi có được thế này
Đã là sung sướng cả ngày lẫn đêm
Mong chi sung mãn nhiều thêm
Cứ như ông nghĩ chết thèm có phen ?.

     X-T

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

THẢO DÊ ĐẠI TÀI

Xuân Thảo bây giờ có quán Dê

Ai đến nhậu rồi cũng phải mê ?

Chồng ăn, tối vợ khen tài thế .

Vợ ăn, chồng bảo rõ đại tài  

Xồn xồn, Gái hóa mê Dê chủ

Bởi về sợ không chỗ mua vui

Đến quán, há mồm nghe chù tán

Gật gù bia, rượu uống không ngơi

Lạy trời, Bị nặng nhờ họ cả

Trộm nghĩ : Gìa sao lại có thời ?

Lúc tuổi trẻ trung,làm "Thằng khổ"

Gìa rồi, tiền lắm có mà chơi ?

Con cái đề huề, gân cốt yếu .

Say tình, say rượu hót vậy thôi 

  .........

Xin Quê tha thứ vì công việc

Thu thêm ít nữa- nhất định về

Găp Thày, gặp bạn cùng hoan hỉ

Bia rượu uống tràn thấm "Tình si " 

          

            Xuân Thảo  ĐN   15/7/2014

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

MẸ TÔI

Viêt tặng Mẹ nhân ngày vu lan báo hiếu
                15/7/ giáp ngọ


Những năm tháng ngèo hèn
Mẹ thảo hiền tần tảo
Nuôi dưỡng đàn con như vượt qua giông bão
Mẹ già ơi ! kính thương mẹ suốt đời

Hôm nay chúng con khôn lớn cả rồi
Hai đứa đã đi xa, nói lời chào vĩnh biệt
"Mẹ ở lại đi sau" một nỗi đau da diết
Mẹ nuốt vào lòng: nước mắt đậm quặn đau

Nhớ những ngày đói rách xanh sao
Mẹ lam lũ, gom nhặt từng hạt lúa
Củ sắn, củ khoai, ngọn rau héo úa
Nhịn đói lòng- Mẹ nhường các con ăn

Các con của mẹ lớn nhanh
Năm anh em con bốn thằng ra trận
Mẹ vẫn một cuộc đời lận đận
Sớm hôm vất vả cấy cày

Cho đến hôm nay 
Mẹ già có phần sung sướng
Nhưng mẹ ơi mắt mẹ đã mờ
Lưng mẹ còng, tai nghễnh ngãng, lơ ngươ

Chúng con thương mẹ già vất vả
Bao nhiêu tình thương cho chúng con hết cả
Mẹ thân gầy, da bọc nắm xương
Nhìn mẹ già lòng những xót xa thương !

    X-Thảo     ĐN  11/8/2014

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

TÔI VÀ NGHỊ

Chúng tôi cùng lớn lên ở vùng chiêm trũng
Bốn mùa thiếu đói gạo, khoai
Giữa buổi loạn ly- thân phận làm trai
Tổ quốc gọi : cùng lên đường đánh Mỹ
Cùng hành quân vào Trường sơn hùng vĩ
Chiến trường máu lửa xông pha
Một tấm bạt tăng, che mưa nắng làm nhà
Một chiếc võng đơn, giữa rừng già thay chiếu, gối
Trên trời bom Mỹ dội
Dưới đất đạp chông, mìn
Dịch sốt rét triền miên cùng những cơn ác tính
Vững một niềm tin, tạo nên sức mạnh
Hiên ngang chiến thắng quân thù .

      X-Thảo    ĐN  10/8/2014

XIN THẦY ĐỖ ĐÌNH TUÂN

Thưa Thầy em tập làm thơ
Thích như ăn tái dê tơ tương gừng
Thêm rượu bia, bốc phừng phừng
Chỉ ngặt một lỗi : Vợ mừng đâm lo
Ý-Tứ thì Thầy tha cho
Em xin hậu tạ môt vò rượu thơm
Từ sáng uống tới chiều hôm
Thầy đừng từ chối thằng Bờm Thày nha
Tháng sau em xin tới nhà
Thầy trò hoan hỉ khoảng ba, bốn ngày.
Xin thầy chấp nhận hôm nay ?
Để em thu xếp em bay ra liền .

      X-Thảo     ĐN 09/8/2014

LIỆU ?

xuân thảo xin góp vài ý nhân đọc bài LÝ SỰ một bài thơ
rất TÂM TRẠNG của bạn thơ Hồ Minh Quang . Có thể coi
là tâm trạng của Thảo khi đọc và ngẫm LÝ SỰ


"Mưa giông" liệu có sớm về ?
Vì mùa Thu đã cận kề từ lâu
Đông sang ắt phải qua cầu
Trần gian bỏ lại, trút sầu là xong.

Tiếc thay cái thuở má hồng
Yêu say mê mẩn vẫn không thấy gì
Còn cãi cọ, cắt có khi ?
Bây giờ " ngơ ngác" tiếc gì chị ơi

Có chăng " tung tẩy đường dài"
Cho quên khổ hạnh, cho ngoai nỗi buồn
Tình" thương, yêu" dẫu vẫn còn
Cũng đành biết vậy," Đời thường chông gai" !

        X-T       ĐN 08/8/2014  

Những từ trong ''  " là của bài LÝ SỰ  thơ Hồ Minh Quang

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

TIỄN CON NHẬP NGŨ

Cha sinh con gái ngoan hiền
Đào tơ liễu yếu không quen luyện rèn
Bây giờ Tổ quốc bình yên
Con đâu thấy cảnh bom rền, đạn bay
Ông cha con ở tuổi này
Dân ta rên siết dưới dày Thực dân
Căm thù giặc đã tòng quân
Sẵn sàng hiến cả tuổi xuân của mình
Dù gian khổ, dẫu hy sinh
Hiên ngang đánh giặc, nặng tình nước non
Giờ đây thế hệ các con
Công ơn Đảng, Bác vẫn còn nặng ghi
Theo cha, con hãy ra đi
Phục vụ quân đội ngại gì khó khăn
Một ngày mai sẽ vinh quang
Giưa lòng dân, Đảng hát vang khải hoàn

      Viết tặng con gái đầu lòng lên đường nhập ngũ năm 2003
        X-Thảo chép lại 08/8/2014

NHỚ QUÊ !

Quê tôi xưa : tổng Đông đôi
Tháng mười lúa chín, rợp trời nhạn bay
Thuyền buồm thấp thoáng Kinh thày
Đò ngang, bến dọc vơi đầy xôn xao
Tuổi thơ trong trẻo biết bao
Một thời khói lửa, bom đào đạn bay
Vẫn hồn nhiên đến thơ ngây
Thả diều, đuổi bướm, tụm bầy đánh khăng
Bây giờ : đường nhựa, cầu ngang
Người xe tấp lập vội vàng đua chen
Quê hương môt thuở thân quen
Đi xa càng thấy nhớ hơn quê nhà !

       X-Thảo    ĐN  08/8/2014

NGỘ

Tạo hóa cho ta được làm người
Cõi trần hối hả chạy, tham chơi
Có hay tội lỗi sân si mãi ?
Tham, háo công danh suốt một đời

Biết mình sướng khổ nay đủ cả
Sao vẫn u mê, vẫn buồn phiền
Cơm, áo, gạo, tiền, mong nhiều nữa
Lại tìm, lại bới, kiếm triền miên

Ra đi tay trắng có mang theo ?
Danh vọng, của tiền dẫu thật nhiều
Bỏ lại trần gian cho hậu thế
Sao không tỉnh ngộ độ Phật theo ?

Ai ơi đi mãi sẽ đến bờ
Theo Thày, lễ Phật chớ làm ngơ
Một ngày kia đến bên bờ giác
Phật ngự tim mình thỏa giấc mơ

        X-Thảo     ĐN  07/8/2014

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

ƯỚC AO

Mong sao có dịp Thày qua
Cho em tiếp rượu, ngà ngà làm thơ
Tương gừng chấm tái dê tơ
Say tình, say rượu, say thơ văn thày.

           X-Thảo      ĐN 03/8/2014